Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh và cuộc đối thoại cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Này em có nhớ?

Ngày 6/7, buổi gặp gỡ thân mật báo chí trước thềm Đêm nhạc Trịnh Công Sơn: “Khúc ca hòa bình”, nằm trong khuôn khổ Festival “Vì hoà bình” được diễn ra thành công.

 

“Khúc ca hòa bình”, nằm trong khuôn khổ Festival “Vì hoà bình” tổ chức tại Tỉnh Quảng Trị vào ngày 13/7/2024 sắp tới đây. Chương trình do Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Trị phối hợp với Gia đình Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và công ty CLC Global phối hợp sản xuất. 



Buổi gặp gỡ có sự tham gia của các anh chị nhà báo, nghệ sĩ, và đặc biệt là các đại diện của các Nhà tài trợ đồng hành cùng chương trình như Thương hiệu Dược mỹ phẩm cao cấp Oh!Oh! - Phân phối độc quyển bởi công ty cổ phần TCell; Logistics Coffee – Không gian cà phê hứng khởi và Nước tăng lực PanaxX đến từ Sâm Ngọc Linh.

 

Hoà bình  - tiếng lòng chung, ước mơ chung của nhân loại. Đích đến cuối cùng của lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, lòng nhân ái và tình hữu nghị bao la. Tiếng nói ngợi ca hoà bình thực sự ý nghĩa khi nó được vang lên từ Việt Nam, đất nước được biết đến với truyền thống chống ngoại xâm, cùng hành trình vệ quốc vĩ đạị bảo vệ chủ quyền độc lập dân tộc  và bảo vệ quyền cơ bản của con người: quyền được sống trong hoà bình. Tiếng nói ấy, càng ý nghĩa hơn khi được vang lên từ những vùng đất từng hứng chịu nhiều nỗi đau do chiến tranh gây ra từ quá khứ.  Đặc biệt, đó còn là tiếng nói của lòng bao dung, những hàn gắn quên đi mọi vết thương cũ, và khát khao vì một ngày mai phát triển cùng nhau của toàn nhân loại.



Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn  - người con của xứ sở BÌNH TRỊ THIÊN thuở nào, không chỉ được biết đến với những bản tình ca lay động bao thế hệ yêu nhạc, mà còn là “NGƯỜI NGHỆ SĨ của hoà bình”, khi bằng âm nhạc, ông đã nói lên tiếng nói của thân phận con người, của khát khao hoà bình từ những ngày tháng cũ, đến những ngày tháng mới đầy bao dung và trong sáng của tình yêu nhân loại. 


Việt Nam nói chung, nhân dân Quảng Trị nói riêng, đều là những người con rất yêu chuộng hoà bình. Chính vì điều đó, Chương trình như một cách dùng ngôn ngữ nghệ thuật, dưới lăng kính lãng mạn và triết học trong âm nhạc của NS Trịnh Công Sơn để gửi gắm đến khán giả ý nghĩa đó. 



Chương trình gồm 3 phần:


Phần 1: CHO TÔI ĐI NÂNG DẬY HOÀ BÌNH


Quá khứ chiến tranh đi qua trong âm nhạc Trịnh Công Sơn như một bức tranh đầy hiện thực nhưng cũng đầy tình yêu thương. Nơi đó, ta như nhìn thấy được nỗi đau khổ của thân phận con người: nhỏ bé, lầm than trong những ngày bom đạn. Chiến tranh chỉ mang lại một màu đen tối, nhìn thẳng vào nỗi đau chiến tranh để thấy sự vô nghĩa của bạo lực.


Nhưng âm nhạc của nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn không chỉ có thế. Ngay trong những ca khúc phản chiến ấy, ta như thấy rất rõ khát vọng hoà bình trong từng câu hát. Khát vọng hoà bình là tiếng nói chung của nhân dân Việt Nam nói riêng và của toàn nhân loại nói chung: “Cho tôi đi xây lại chuyện tình, Cho tôi đi nâng dậy hòa bình...”

Có thể bạn muốn xem


Khán giả sẽ đến với những Tác phẩm nằm trong Tuyển chọn Ca khúc Da vàng của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như: Chờ nhìn quê hương sáng chói, Người mẹ Ô Lý, Ca dao mẹ, Ta thấy gì đêm nay, Xin cho tôi…



Phần 2: TÌNH CA HOÀ BÌNH 


Có lẽ, Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã xem Hoà bình như một điều tất yếu đi từ trong bản sắc văn hoá, bản sắc con người Việt Nam, gieo vào lòng con người tình yêu thương màu nhiệm không biên giới ấy. Và Hoà bình cũng thế, đó là 1 khát khao mộc mạc, tự nhiên, hồn nhiên của mỗi người. Sau những ngày khát vọng “Chờ nhìn quê hương sáng chói” là một Việt Nam đã hoà bình, đẹp giản đơn và thiêng liêng. Hoà bình đẹp như những bản tình ca của tình yêu thương nhân loại, tình yêu thương con người. 


Những bản tình ca đẹp sẽ xuất hiện trong phần này như Diễm xưa, Hạ trắng, Này em có nhớ, Còn tuổi nào cho em, Hành hương trên đồi cao… 

 

Phần 3: HÃY YÊU NHAU ĐI 


“Hãy yêu nhau đi” – “Thương hiệu” chương trình Nhạc Trịnh Công Sơn của Quảng Trị - cũng chính là Chủ đề Phần ba, khi cả thế giới cùng về nơi đặc biệt này để ngợi ca hoà bình. Hoà bình, là không phân biệt màu da, quốc tịch, giới tính, thế hệ, không phân biệt quan điểm, quá khứ, mà cùng nhau hướng đến tương lai tươi sáng của tình yêu, tình hữu nghị, sự chăm lo cho thế hệ mai sau. Hãy yêu nhau đi là thông điệp cực kỳ ý nghĩa cho chương trình này, dành cho tất cả mọi người. 

 

Chương trình gồm những Nghệ sĩ gạo cội như Cẩm Vân, Quang Dũng, Đức Tuấn, và đặc biệt có sự góp mặt của ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh – em gái nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nghệ sĩ violon Hàn Quốc Jmi Ko, ca sĩ gốc Mỹ Kyo York và bé Cindy sẽ đảm nhận phần giao lưu quốc tế trong chương trình, khi nhạc Trịnh không chỉ giành cho người Việt và người lớn tuổi. Sự phối hợp của Cece Trương và An Trần cũng sẽ là một làn gió mới mẻ, tươi trẻ cho chương trình. 



Chương trình lần này do ông Nguyễn Trung Trực - đại diện gia đình Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Nhà báo Nguyên Thuỷ - Đại diện Đài Phát thanh Truyền hình Quảng Trị là Tổng chỉ đạo và đạo diễn chương trình. Đích thân Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh đảm nhiệm vai trò biên tập ca khúc, Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn giữ vai trò Giám đốc âm nhạc, , Đạo diễn Tùng Leo làm Giám đốc sáng tạo, Nhạc trưởng Dustin Tiêu giữ vai trò dàn dựng Hợp xướng. Ban nhạc là những anh em gắn bó với nhạc Trịnh, đặc biệt là sự tham gia của Nghệ sĩ guitar Vĩnh Tâm, nghệ sĩ violon Tri Hy Đạt sẽ có những phần tham gia rất đặc biệt. 

 

Đây là Chương trình thứ 2 do công ty CLC chịu trách nhiệm sáng tạo nội dung và phối hợp sản xuất, sau chương trình Đối thoại Trịnh Công Sơn: Tình yêu tìm thấy trong Festival Huế vừa được diễn ra vào tháng 6 vừa qua. Được sự tin tưởng giao phó từ gia đình Trịnh Công Sơn, đạo diễn Tùng Leo tiếp tục “cầm trịch” chương trình này ở vai trò sáng tạo và dẫn dắt câu chuyện.